Phụ nữ mang thai và đang cho con bú được tiêm vaccine Covid-19

Phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên hoặc đang đang cho con bú vẫn có thể tiêm các loại vaccine phòng Covid-19, lưu ý chống chỉ định với vaccine Sputnik V. Khi tiêm vaccine cho thai phụ cần hỏi rõ tuổi thai và giải thích lợi ích, nguy cơ.

Chỉ nên cân nhắc tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi, đồng thời thai phụ cần ký cam kết nếu đồng ý tiêm. Những trường hợp này sẽ được chuyển đến các cơ sở có cấp cứu sản khoa để tiêm và theo dõi.

Phụ nữ mang thai dễ diễn tiến bệnh nặng hơn người bình thường khi mắc Covid-19

Trong quá trình mang thai, phụ nữ cũng có tình trạng suy giảm miễn dịch nhất định. Đây chính là yếu tố nguy cơ, bởi khi có thai do phải nuôi 1 đứa trẻ trong bụng nên tử cung của thai phụ sẽ to hơn, đẩy cơ hoành lên cao, đẩy dung tích phổi giảm xuống cản trở hô hấp vì thê nhu cầu oxy của phụ nữ mang thai cao hơn người bình thường.

Tiếp đến, bản thân phụ nữ trong quá trình mang thai sẽ có tình trạng giữ nước trong cơ thể, có hiện tượng phù, phù niêm mạc đường hô hấp trên, dẫn đến tổn thương đường hô hấp trên dễ dàng. Vì thế khi mắc Covid-19 nguy cơ trở thể nặng nhanh.

Ngoài ra, nếu phụ nữ mang thai có bệnh nền hoặc các bệnh như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, béo phì, bệnh mạn tính ở phổi… hoặc trên 35 tuổi mới mang thai… sẽ khiến dễ gây ra biến chứng trong thai kỳ.

Cùng với những yếu tố trên, nếu thêm mắc Covid-19 thì nguy cơ biến chứng thể nặng của phụ nữ mang thai càng thêm nhanh chóng.

Vì sao lại là mốc 13 tuần thai?

Việc chia thai kỳ phụ nữ thành 3 giai đoạn trung bình gồm 3 tháng đầu thai kỳ, 3 tháng giữa thai kỳ và 3 tháng cuối thai kỳ, trong đó, giai đoạn đầu tiên rất quan trọng, nếu không thận trọng có thể gây ra các dị dạng thai. Vì vậy chuyên gia thường khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine sau giai đoạn này.

Trước đây khi việc tiêm vắc xin mới bắt đầu triển khai, Bộ Y tế khuyến nghị không tiêm cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, sau thời gian kiểm nghiệm thì Bộ Y tế đã điều chỉnh, mở rộng và hướng dẫn phụ nữ mang thai có thể tiêm.

Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), có thể tiêm vaccine Moderna và Pfizer cho phụ nữ mang thai và cho con bú.

Những ảnh hưởng của Covid-19 lên thai phụ và thai nhi

Viêm phổi do virus ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển, tử vong thai nhi và trẻ sơ sinh.

Tiêm ngừa vắc xin Covid-19 là cơ hội bảo vệ cho cả mẹ và con. Bệnh chuyển biến ở những phụ nữ có thai bệnh sẽ nặng hơn nhiều so với người bình thường. Gánh nặng cho phụ nữ có thai gấp cả trăm lần, em bé có nguy cơ sinh non, nguy cơ lây nhiễm, mẹ thở máy, chạy ECMO, dùng kháng sinh liều cao,… có thể đe dọa tính mạng, tốn kém chi phí điều trị. Đối với biến chủng hiện tại mẹ có thể diễn biến bệnh nặng nề hơn rất nhiều.

Có thể cho con bú sau khi tiêm vaccine Covid-19 không?

Phụ nữ đang cho con bú được khuyến khích nên tiêm vaccine Covid-19 càng sớm càng tốt.

Các chuyên gia cho biết, tất cả các loại vaccine phòng Covid-19 được sử dụng hiện nay không chứa virus sống, vì thế nó rất an toàn. Hơn nữa, kháng thể có trong sữa mẹ còn có tác dụng bảo vệ trẻ trước các bệnh nhiễm trùng, giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, giúp cải thiện dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Do đó, phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vaccine phòng Covid-19, đồng thời vẫn tiếp tục cho con bú sau tiêm.

Phụ nữ đang cho con bú sữa mẹ khác hoàn toàn với phụ nữ đang mang thai, các nghiên cứu không thấy mARN thông tin có truyền qua sữa mẹ. Khi vaccine được đưa vào cơ thể sẽ vào cấu trúc di truyền để tạo ra protein gai, từ protein gai mới tạo ra được kháng thể và kháng thể mới đi qua được sữa mẹ. Ngay cả protein cũng không chắc chắn có thể truyền qua được qua đường sữa mẹ. Do đó, sau khi tiêm vaccine Covid-19, phụ nữ vẫn có thể cho con bú sữa mẹ, không có vấn đề gì phải lo lắng.

Những lưu ý cần biết

Trước khi tiêm vaccine, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú nên ăn uống hợp lý, không sử dụng chất kích thích, ngủ đủ giấc, hợp tác khai báo y tế, tuân thủ 5K, thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân như tiền sử dị ứng, các bệnh cấp tính/mạn tính đang mắc, các thuốc đang sử dụng.

Sau khi tiêm cần phải ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi tình trạng sức khỏe nhằm phát hiện và xử trí kịp thời những dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, cần tiếp tục theo dõi ít nhất 7 – 28 ngày sau tiêm tại nhà. Thông báo bác sĩ ngay nếu xuất hiện các biểu hiện như nổi mề đay, mệt tức ngực, khó thở, choáng váng, đau bụng nhiều,…

Bệnh Viện JW Hàn Quốc
Từ khóa: