Với vai trò đầu tàu của kinh tế cả nước, TP.HCM cần sớm áp dụng cơ chế “được ra ngoài làm việc” cho người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, tạm gọi là “giấy thông hành vaccine”?
Việt Nam đã có hơn 21 triệu người tiêm 1 mũi và hơn 3 triệu người được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19. Trước khi đạt được miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được tiêm chủng, một số chuyên gia cho rằng cần tính tới biện pháp “nới lỏng” cho những đối tượng này trong việc đi lại làm việc và các hoạt động khác trong điều kiện giãn cách.
Tính đến phương án cấp giấy thông hành vaccine
Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng một cách sớm nhất. Người tiêm đủ liều vaccine về cơ bản bảo vệ cho cá nhân không bị nặng khi nhiễm bệnh, giảm thấp nhất nguy cơ nhập viện, nguy cơ tử vong.
Hiện có TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, đã có khoảng 6 triệu người trên 18 tuổi tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ khoảng 88% và gần 400.000 người tiêm mũi 2.
Thành phố đang dự thảo kế hoạch phục hồi kinh tế do tác động của Covid-19, trong đó có dự kiến áp dụng việc kiểm soát người dân di chuyển, làm việc, tham gia các hoạt động tại nơi công cộng khi đã có “giấy thông hành vaccine” thay cho các hình thức quản lý khác như giấy đi đường, khai báo di biến động dân cư, kết quả xét nghiệm âm tính,…
Trong khi đó, tại Bình Dương, tỉnh cũng đang tính phương án cho những người dân tiêm 2 mũi vaccine sẽ được cấp giấy thông hành. Đồng thời, xem xét thêm đối với trường hợp tiêm 1 mũi vaccine đủ 20 ngày để cấp giấy thông hành trong thời gian tới. Hiện tỉnh đang giao ngành y tế và các cơ quan chuyên môn nghiên cứu tính về phương án này.
Dù đã tiêm vaccine vẫn phải tuân thủ 5K
PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, với một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, người dân cần tuân thủ theo quy định và 5K. Tuy nhiên, với những người đã tiêm đủ mũi vaccine và áp dụng 5K có thể trở lại cuộc sống làm việc, học tập bình thường.
Chuyên gia này đề nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn với nhóm đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có giấy thông hành riêng. Ông Nga cũng lưu ý khi cấp giấy thông hành vaccine cần phải tính toán người tiêm đã qua 14 ngày, đủ thời gian tạo miễn dịch hay chưa. Đồng thời, cần phải quản lý chặt chẽ khu vực đông người. Tại khu vực tập trung ít người, mọi người đã tiêm vaccine và mắc bệnh đã khỏi có thể đi làm.
Cần thận trọng tuân thủ quy định 5K
PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam chưa đạt tỷ lệ tiêm bao phủ 70% dân số, chưa có miễn dịch cộng đồng, vì thế người đã tiêm đủ liều vẫn có thể bị nhiễm (không triệu chứng hoặc nhẹ), vẫn là nguồn lây cho người khác.
Người được tiêm vaccine mà nhiễm SARS-CoV-2 đi tới vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể lây lan cho người chưa tiêm vaccine và gây bùng phát dịch – ông Phu nói.
Do đó, giải pháp để cấp giấy thông hành cho một người khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cần có kết quả xét nghiệm âm tính, lịch sử đi lại an toàn. Nếu họ đã từng đến điểm nguy cơ sẽ không an toàn.
Trong giai đoạn hiện nay để đạt miễn dịch cộng đồng, các địa phương cần phải tăng tốc tiêm chủng. Đặc biệt, ông Trần Đắc Phu cho rằng, các địa phương cần ưu tiên tiêm cho những đối tượng người già, người mắc bệnh nền, vì đó những trường hợp dễ có nguy cơ gia tăng mức độ nặng cũng như tử vong nếu mắc Covid-19.
Cơ sở đạt miễn dịch cộng đồng
Tổng số liều vaccine TP.HCM được phân bổ đến nay là 10.349.200 liều. TP ước tính có 7,2 triệu người trên 18 tuổi. Đến ngày 3-9 TP tiêm được 6.321.049 mũi, trong đó có 5.923.063 mũi 1 (đạt tỉ lệ 82,2%) và 397.986 mũi 2 (đạt tỉ lệ 5,5%).
Ước tính từ ngày 29-8 đến 31-12, TP cần hơn 8.145.900 liều vaccine để tiêm mũi 1 (khoảng 1.400.000 liều) và hơn 6.745.900 liều cho mũi 2 nhằm đạt miễn dịch cộng đồng.